18 years of excellence

VietMark & Team Building

RETURN TO PREVIOUS PAGEJune 17,2015 |

Tôi nguyên là sinh viên Khoa Nga – Đại học Sư phạm TPHCM; sau tiếp tục học thêm bằng Cử nhân Khoa Anh - Đại học Sư phạm TPHCM.  Sau khi tốt nghiệp khoa Nga năm 1987, tôi được nhà trường giữ lại để thực hiện công tác giảng dạy trong 5 năm. Sau đó thì xin chuyển ngành, làm Hướng Dẫn viên và bén duyên với  Ngành Du lịch từ đó đến nay.

Vì sao Ông lại chuyển sang Ngành Du lịch?

Ông Đỗ Tuấn Anh: Tôi nghĩ đó là do đam mê, yêu thích, yêu nghề du lịch này. Ban đầu thì làm Giảng viên, nhưng kinh tế gặp nhiều khó khăn quá, lúc đó có bạn bè gợi ý, bảo: “Có ngoại ngữ như anh, thì nên về làm Hướng Dẫn viên Du lịch đi, sống tốt hơn”. Chỉ vì câu nói ấy mà tôi chuyển nghề, rồi mê luôn lúc nào không hay. Nhưng hiện nay tố chất sư phạm vẫn còn, tôi tham gia giảng dạy để truyền lại những trải nghiệm, cho các em sinh viên ở một số trường có khoa Du lịch, như là Đại học Hùng Vương, Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn…

Đến nay, Ông đã làm việc trong Ngành Du lịch bao nhiêu năm?

Tính ra tôi đã có gần 25 năm trong Ngành Du lịch. Công ty đầu tiên tôi làm việc tại Công ty Du lịch T&T, chỗ anh Tấn (10 năm)  rồi sau đó làm Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Hà Nội Toserco tại TPHCM, Giám đốc Công ty XPC,  sau đó quyết định thành lập Công ty Du lịch VietMark, tính đến nay đã được 8 năm gắn bó vớiVietMark .

Sản phẩm du lịch nào Ông cảm thấy ưng ý nhất vào thời điểm này?

Team Building. Đó là hoạt động du lịch được tổ chức với mô hình giống như đi Hướng đạo sinh, các hoạt động Đội, nhóm, yêu cầu người tham gia phải có sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, hợp tác rồi từ đó rút ra được những bài học có giá trị, phù hợp với nhân sự các doanh nghiệp và giới trẻ. Chúng tôi đã học hỏi cách xây dựng trò chơi, cách tạo tình huống ở các tour Team Building của các nước Châu Âu và Mỹ, rồi từ đó vận dụng, đầu tư, phát triển thêm sao cho phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam và ở thời điểm này, chúng tôi đã thành công, Team Building có thể được xem như là một sản phẩm “hot” và là thế mạnh của Công ty VietMark. Hiện nay, bên cạnh việc triển khai các tour này ở trong nước, Công ty đã tổ chức thực hiện tour Team Building ở một số nước Châu Á, như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Trên tổng số 25 anh chị em Cán bộ trong Công ty Viet Mark, thì có anh chị em nào xuất sắc nhất mà ngay khi nhắc đến tên là du khách nhớ liền không?

Có chứ! Có thể kể đến tên các đàn em như: Trần Nhật Phú, Nguyễn Như Ngọc, Lưu Văn  Long, Ngô Thị Bích Vy, Trần Thanh Sang, Huỳnh Thế Vinh. Đây là 6 Cán bộ, Hướng dẫn viên xuất sắc của Công ty mà du khách hay dân trong Ngành Du lịch TPHCM cũng biết tên.

Hoạt động của lĩnh vực Team Building có tổ chức theo mùa không, hay lúc nào Ông cũng có thể tổ chức?

Mô hình này không theo mùa, mà lại theo từng Quý. Vì Team Building tổ chức theo yêu cầu của Doanh nghiệp, Công ty, lấy ví dụ như Quý I (tháng 1 – tháng 3) là các Phòng Nhân sự yêu cầu, vì qua Tết Công ty họ có thêm những nhân viên mới nên cần phải tổ chức tour đi chơi để các nhân viên này hòa nhập được không gian làm việc mới; Quý II có thể là các Phòng Sale đặt hàng để thúc đẩy, nâng cao tinh thần của nhân viên để bán được hàng nhiều hơn, nâng cao lợi nhuận; Quý IV là tổ chức nội bộ như Gala Dinner, Tổng kết, Family Day…

Ông nghĩ như thế nào về áp lực của Ngành Du lịch, về việc kêu gọi kích cầu, giảm giá? Và Ông có ý kiến gì về chuyện “chặt chém” du khách ở một số địa phương?

Thật ra, chuyện kích cầu là chuyện nên làm nhưng nó cũng phải có giới hạn về thời gian và có trọng tâm, tức là nên chia thành từng giai đoạn kéo dài chừng 2-3 tháng là kết thúc chứ không nên kích cầu quá dài. Còn chuyện “chặt chém” thì đó là vấn đề về ý thức. Tôi lấy ví dụ ở Hội An, câu hỏi đặt ra là tại sao ở đây không có nạn chặt chém. Thứ nhất, vì ở đó phạm vi rất nhỏ, thứ hai, nếu như có cửa hàng chặt chém thì ngay lập tức sẽ bị lập biên bản, sau đó sẽ được công bố ở nơi đó có “chặt chém”, Hướng Dẫn viên Du lịch sẽ trực tiếp thông báo với du khách để họ không đến đó. Tác dụng của biện pháp này chính là cho những nguời buôn bán biết, nếu như họ “chặt chém”, du khách biết rồi sẽ không đến nữa, lúc đó thì còn ai để “chặt chém”. Chính như vậy, chủ cửa hàng cần phải ý thức, bản thân họ phải hiểu được giá trị và cái lợi của việc buôn bán ngay thẳng để giữ chân du khách. Biện pháp tôi cho rằng quan trọng nhất, đó là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chế tài cụ thể, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tịch thu Giấy phép kinh doanh và không cấp lại Giấy phép đối với các nơi có hành vi “chặt chém”, chỉ cần thực hiện liên tục thì thiết nghĩ chẳng còn nơi nào dám có hành vi đó nữa.


Từ trái sang: Ông Đỗ Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Du lịch VietMark, Ông Nguyễn Văn Khâm - Phó chánh Thanh tra Sở VHTTDL TPHCM, Ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Lữ hành Sở VHTTDL TPHCM  tại Hội nghị Tổng kết Tam giác phát triển du lịch - Madagui

Ông nghĩ thế nào về việc Báo có đưa tin, Ông Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam phải xin lỗi du khách nước ngoài  vì nạn “chặt chém” ở Hà Nội?

Việc xin lỗi nên do các cán bộ phòng ban liên quan giải quyết, xử lý. Thật ra, không chỉ ở Việt Nam mới có nạn “chặt chém” như thế này, cả ở một số nơi ở Singapore, Thái Lan, Hông Kông, Trung Quốc… cũng vẫn tồn tại tình trạng này. Nhưng khác biệt ở đây là Ngành Du lịch của họ định hướng rất rõ ràng nơi nào, địa điểm nào có hành vi “chặt chém”, thậm chí họ còn thông báo rõ ràng giá tiền đi xe taxi, xe Tuk Tuk (Thái Lan) là bao nhiêu/km. Và tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm như vậy, Bộ - Sở VHTTDL nên thông báo cho tất cả các Công ty Du lịch biết mặt bằng giá cả như thế nào, yêu cầu Hướng Dẫn viên nên thông báo giá tiền chung của các loại phương tiện giao thông (taxi, xe xích lô…), khuyến khích và cảnh báo du khách nên trả giá trước khi mua hàng. Đó đều là những việc mà Ngành Du lịch Việt Nam cần phải làm để giữ hình tượng tốt đẹp về du lịch trong lòng du khách

Xin cảm ơn Ông!

Hoàng Kim (thực hiện: tcdulichtphcm.vn)

Tags: categorised in:

Contact us

Address

385 Tran Hung Dao,
Cau Kho ward, district 1, HCMC

Hotline

(028) 5404 5404 / 0903907686
Tailor make tour

News letter